Với nội dung bài viết dưới đây, TS Fishing chia sẻ đến bạn một vài kinh nghiệm tổng hợp được về các vấn đề liên quan đến việc Dây trục là gì? Dây thẻo là gì? Cách sắp xếp dây trục và dây thẻo, hi vọng có thể giúp được các bạn trong quá trình đi câu, nhất là những người mới tiếp xúc với bộ môn này.
Dây trục câu tay
Loại dây trục phổ biến nhất là dây Nylon, với mục đích đường trục có độ đàn hồi nhất định, dây mềm, dai,... Màu của dây trục khá đa dạng, một số quan điểm cho rằng liên quan đến phổ của ánh sáng khi chiếu xuống nước bởi vậy dây trục thường màu xanh, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào cho rằng màu sắc của trục câu ảnh hưởng tới việc cá ăn. Màu thông thường là xanh, vàng, đỏ đô...
Trục câu đài thường sử dụng size dây từ 1.0 – 4.0. Tuy nhiên một số trường hợp câu cá tra, trắm đen có thể lên đến 8.0 đến 10.
Màu của dây trục khá đa dạng thông thường là xanh, vàng, đỏ đô...
Dây thẻo câu tay (Dây link)
Dây thẻo câu trong môn câu đài khá đa dạng, có thể là dây Nylon Mono, dây PE, dây cáp, dây Fluro Carbon,...
- Dây Nylon Mono thường được sử dụng trong tình huống đường thẻo câu cần mềm, tự nhiên chống cá nhát.
- Dây Fluro Carbon dành cho cá ăn mạnh, không nhát dây bởi dây cứng và dai hơn.
- Một số cần thủ có thói quen sử dụng dây PE khi săn hàng, bởi dây mềm và chịu tải cực tốt. Trong một số trường hợp ít gặp như câu cá chim với bộ hàm sắc một số cần thủ dùng dây cáp làm thẻo câu.
Trong thi đấu câu Đài việc phối hợp các loại dây câu và thay đổi loại dây, size dây là rất quan trọng. Size của dây thẻo câu đối với dây Nilon và Fluro Carbon thường từ 0.4 – 3.0.
Bộ thẻo câu tay trong môn câu đài khá đa dạng, có thể là dây Nylon Mono, dây PE
Cách kết hợp dây câu và ứng dụng của dây thẻo
Dây câu và dây thẻo là một yếu tố quan trọng trong bộ môn câu cá. Dây câu chia làm 2 phần chính: dây trục câu (dây gió) và dây thẻo câu (dây link).
Căn cứ vào kích cỡ và tập tính của từng loại cá mà cần thủ sẽ có các cách kết hợp dây câu và ứng dụng của dây thẻo khác nhau; thông thường các cần thủ căn cứ vào sự thay đổi của nhiệt độ môi trường và nhiệt độ nước trong bốn mùa, điều này sẽ tác động trực tiếp đến độ hoạt bát của cá ví dụ nhiệt độ môi trường cao thì nhiệt độ trong nước cũng dần tăng, do đó ảnh hưởng đến sự linh hoạt hay bạo ăn của cá.
Một lưu ý quan trọng khi đi câu cá đó chính là tuyệt đối không được giật quá căng cần, cần thủ phải khống chế tốt lực đóng dính cá và phải nắm được kỹ thuật dòng cá (lai dắt cá).
Tỉ lệ phối dây trục và dây thẻo
- Dây trục 0.8 có thể đi kèm với dây thẻo 0.4 - 0.6
- Dây trục 1.0 có thể đi kèm với dây thẻo 0.6 - 0.8
- Dây trục 1.2 có thể đi kèm với dây thẻo 0.6 - 1.0
- Dây trục 1.5 có thể đi kèm với dây thẻo 0.8 - 1.2
- Dây trục 2.0 có thể đi kèm với dây thẻo 1.0 - 1.5
Đây là tỉ lệ phối dây trục và dây thẻo tương đối hợp lý, kết hợp với phao hay chì chặn thì độ nhạy cũng sẽ cao. Dây thẻo nên nhỏ hơn dây trục trong khoảng từ 2 size trở lên để tránh việc gặp cá nặng hoặc vướng đá thì có thể cân nhắc bỏ đi thẻo và đảm bảo dây trục không đứt và không bị mất phao, giúp giảm thiểu tối đa sự tổn thất cho cần thủ.
Công ty Hoa Gia Thành dây trục 1.5 kết hợp với dây thẻo 0.8
Kỹ thuật dòng cá số 8 mang lại hiệu qủa và tỷ lệ dính cá cao có thể áp dụng khi trúng cá to: đầu tiên phải đưa thanh cần dựng đứng lên, tiếp đó là nên tận dụng độ dẻo và độ cong của cần để giảm thiểu sức mạnh của cá, linh hoạt xoay cần sang phải hoặc trái và tuyệt đối không được kéo chọi nhau, nếu không sẽ bị đứt dây, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến gãy đốt cần.
Sự kết hợp dây trục và dây thẻo khi câu các dòng cá có kích cỡ khác nhau
Khi câu những loài cá có chủng loại và kích cỡ khác nhau, ta cũng sẽ cân nhắc kích cỡ dây trục và dây thẻo sao cho hợp lý. Bên cạnh đó dựa vào sự thay đổi nhiệt độ môi trường và nhiệt độ nước để đánh giá được tình hình cá ăn ngay tại thời điểm câu. Dưới đây là thông số tham khảo, chủ yếu dùng cho câu cá chép và cá diếc.
Sự kết hợp dây trục và dây thẻo như sau:
- Cá có trọng lượng <150g: dây trục 0.6 - 0.8, dây thẻo 0.4 - 0.5
- Cá có trọng lượng 150g - 250g: dây trục 0.8 - 1.0, dây thẻo 0.4 - 0.6
- Cá có trọng lượng >250g: dây trục 1.0 - 1.2, dây thẻo 0.6 - 0.8
- Cá có trọng lượng 500g - 1.5kg: dây trục 1.2 - 1.5, dây thẻo 0.6 - 1.0
- Cá có trọng lượng >1.5kg: dây trục 1.5 - 2.0 dây thẻo 1.0 - 1.5
- Cá có trọng lượng >2.5kg: dây trục 2.0 - 3.0 dây thẻo 1.2 - 2.0
Có sự khác nhau rõ rệt giữa người mới tập câu và người câu lâu năm có kinh nghiệm trong việc kết hợp giữa dây trục và dây thẻo. Đối với những người có kinh nghiệm sẽ quan tâm đến sự kết hợp của cả trục dây, từ đó phát huy tối đa độ nhạy của dây, về phương diện dây thẻo còn cần phải xem xét vấn đề tín hiệu phao và vấn đề ăn mồi nữa. Có nhiều vấn đề đều phải dựa vào kinh nghiệm thực tiễn để xem xét giải quyết. Còn người mới thì kinh nghiệm ít, khi câu không xem xét vấn đề được toàn diện, vì vậy sau khi kết thúc một lần đi câu kết quả của hai nhóm người này sẽ khác nhau hoàn toàn .
Độ dài của dây thẻo
Nguyên tắc của việc sử dụng dây thẻo chính là căn cứ vào độ sâu cạn của nước và sự nhanh chậm của cá để quyết định nên sử dụng loại dây nào. Vậy ưu - nhược điểm của dây thẻo dài là gì? Ưu - nhược điểm của dây thẻo ngắn là gì? Trong quá trình câu bạn nên buộc dây thẻo dài – ngắn thế như thế nào cho thích hợp?
Ưu – nhược điểm của dây thẻo dài
-
Ưu điểm:
Dây thẻo dài làm thời gian mồi chìm xuống nước chậm, bạn có thể dò tìm được nhiều tầng cá trong nhiều tầng nước khác nhau. Hiệu quả dụ cá tốt, đặc biệt có khả năng dụ cá lúc cần và mồi câu chưa chạm đáy, khả năng tàng hình trong nước cũng rất cao. Đặc biêt có tính ổn định và tải trọng cao, độ uốn cong lớn.
-
Nhược điểm:
Nhược điểm của dây thẻo dài là dễ bị chùng dây khiến cho dây thẻo trở nên lụt, lúc nhấc cần lên dễ bị dính sốc cá làm kinh động đến cả ổ cá, mỗi lần như vậy cá sợ hãi và sẽ bơi tán loạn để trốn chạy dẫn theo những con cá còn lại rời khỏi ổ.
Ưu – nhược điểm của dây thẻo ngắn
-
Ưu điểm:
Độ nhạy cao, tốc độ chìm mồi xuống nước nhanh.
-
Nhược điểm:
Độ uốn cong của dây thẻo ngắn nhỏ, khả năng tàng hình dưới nước cũng không tốt. Hiệu quả dụ cá không bằng dây thẻo dài vì vậy, thông thường nó chỉ dùng để câu ở những chỗ nước cạn, độ sâu dưới 70cm.
Buộc dây thẻo bao nhiêu là thích hợp?
Đối với mỗi loại cá khác nhau bạn có từng cách buộc khác nhau, ta cần liên tục thay đổi khắc phục cho phù hợp với tình hình thực tế. Bạn cần căn cứ vào độ nông sâu của nước, điều kiện nhiệt độ không khí, nhiệt độ nước, sự linh hoạt của cá, độ nhanh chậm của cá và kích cỡ của cá.
Ví dụ, vào mùa đông hoặc mùa xuân, nước sâu khoảng 1m đến 2m, ta nên câu cá diếc là chính, lúc đó bạn nên dùng dây dài 45cm gấp đôi lại buộc vào lưỡi câu. Đối với những chỗ nước sâu dưới 1m ta nên dùng dây 35 - 40cm, gấp đôi, buộc vào lưỡi câu.
Đối với câu cá chép có đặc tính ăn mồi là sục bùn ăn đáy bạn có thể buộc dây thẻo dài hơn một tý, trong phạm vi 60 - 70cm, gấp đôi lại, buộc vào lưỡi câu.
Ngoài ra, khi trúng cá phải khống chế tốt lực kéo cần, nếu dùng dây thẻo mảnh thì bạn nhất định phải tính đến việc cần câu có bảo vệ được dây thẻo hay không, nếu không sẽ rất dễ làm đứt dây. Nhiều người mới đi câu thường hay mắc phải sai lầm này, khi dây bị đứt bạn cứ cho là do dây không chắc, nhưng thực tế là do lực kéo khi bạn nâng cần hạ cần gây nên.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin về dây trục và dây thẻo câu tay mà bạn có thể tham khảo khi ứng dụng vào việc câu cá thực tế.